LÀM THẾ NÀO ĐỂ “KHÉO” VÀ “DUYÊN” HƠN TRONG GIAO TIẾP?

Bạn đã từng gặp phải trường hợp như này chưa – khi người thường nói chuyện với bạn đột nhiên không còn liên lạc lại? Hay bạn cứ nói chuyện là sẽ làm phật lòng mọi người, khiến cho không còn ai muốn trò chuyện với bạn nữa? Dưới đây, Học viện Nghiên cứu và Huấn luyện Lifecore Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn một vài cách để trở nên “khéo” và “duyên” hơn trong giao tiếp.

        1. Không phân tâm khi nói chuyện: Đừng nên nửa có mặt, nửa lại như không.

Trong thời đại công nghệ hóa này, gần như mỗi người trưởng thành đều có một chiếc điện thoại cho riêng mình. Điều đó cũng dẫn đến việc không ít gia đình, bạn bè tụ họp với nhau nhưng chỉ cúi mặt nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, không hề nói chuyện hay trao đổi gì.

Không chỉ điện thoại mà còn có cả những đồ vật trên tay như sách vở, chìa khóa, giấy tờ,… Hãy bỏ hết chúng xuống và tập trung vào cuộc trò chuyện.

        2. Đừng giữ lại cái tôi của mình:

Nhà trị liệu nổi tiếng M.Scott Peck đã nói: “Để thực sự lắng nghe, bạn phải dẹp cái tôi sang một bên.”

Mỗi người đều là chuyên gia cho một lĩnh vực nào đó, đến kẻ ăn mày cũng có thứ cho ta phải học tập, và ai cũng có thể là thầy của ta. Vì vậy hãy mở lòng đón nhận và tôn trọng tất cả những gì mình được chia sẻ.

Hãy bỏ bớt ý kiến cá nhân, thậm chí là định kiến của mình về bất kỳ ai hay chủ đề nào trong cuộc trò chuyện. Thực sự lắng nghe người nói với tâm thế sẽ nhận được một điều gì đó có ích là chuyện không tồi chút nào.

        3. Xóa bỏ những ý tưởng đột nhiên nảy sinh trong đầu:

Bạn đã từng gặp phải trường hợp này chưa, khi mà những ý tưởng và suy nghĩ mới lạ bỗng dưng nảy ra trong đầu một cách bất ngờ trong trí não ngay lúc bạn đang trò chuyện? Để không bị ngắt mất dòng suy tưởng và cuộc trò chuyện không bị gián đoạn, bạn nên đá bay chúng ra khỏi đầu, nhanh chóng như cái cách chúng đến với trí não ta.

        4. Không ba hoa:

“Đừng ném lời cho gió nếu không hay biết gió thổi về đâu.” –M.Ghenin–

Ba hoa, khoác lác, phô trương như “thùng rỗng kêu to” là điều cố kỵ trong giao tiếp. Nó cho thấy bạn là người có tầm nhìn hạn hẹp, bộ não rỗng tuếch, và chắc chắn rằng sẽ không ai sẵn lòng lắng nghe một người như vậy.

Hãy đặc biệt cẩn trọng điều mình nói như những người MC hay phát thanh viên trên đài truyền hình.

Đừng nói những gì kém chất lượng.

        5. Nói ngắn gọn:

Bỏ bớt những thông tin không cần thiết, bớt nói lời sáo rỗng, không lặp lại những gì đã nói để tránh khiến ta trở nên tẻ nhạt, nhàm chán, cuộc trò chuyện cũng không hiệu quả.

Nói dài, nói dai thành nói dại.

“Cuộc trò chuyện thú vị giống váy ngắn, phải đủ ngắn để gây thích thú, nhưng phải đủ dài để bao trùm chủ đề.” – Celeste Headlee.

        6. Không đánh đồng trải nghiệm của bạn với họ:

Hoàn cảnh mỗi người khác nhau, dẫn đến dù cùng một trường hợp, sự việc cũng có thể có những trải nghiệm và cảm nhận khác nhau. Quan trọng hơn là cuộc trò chuyện đang nói đến người khác, không phải nói về bạn.

Đừng cố chứng tỏ mình, ra vẻ như mình hiểu biết lắm.

Hãy bày tỏ lòng đồng cảm với họ và đưa ra một vài câu hỏi giúp đỡ: “Xin nén đau buồn”, “Mình có thể giúp gì cho bạn không?”,…

        7. Để ý đến cảm nhận của họ:

Khi người khác đang nói họ thích gì, đừng nên phản bác lại hoặc phá vỡ sự hào hứng, vui vẻ của họ. Khi họ đang nói về người, vật mà mình thích, bạn lại nói người đó không tốt thế nào, vật kia vô dụng ra sao,… Nó chẳng phải là trung thực hay thẳng thắn gì đâu, người ta gọi đó là hành động rất mất lịch sự và ích kỷ đấy. 

Ngoài ra thì khi người ta đang tự giễu bản thân, bạn tuyệt đối đừng có phụ họa theo nhé. Cuộc trò chuyện sẽ kết thúc ngay lập tức và họ sẽ cạch mặt bạn đến cuối đời luôn đó!

        8. Không nói đùa quá đà:

Hài hước đúng thật là gia vị khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn, nhưng nói đùa mà không đúng người đúng thời điểm, hoặc lỡ trúng ngay người không thích đùa thì gay to đấy.

Và cũng sẽ rất lúng túng nếu như mình nói đùa với một người không thân quen nào đó mà họ lại không hiểu ý mình, đúng không?

Tuy nhiên, điều ấy cũng không cho thấy ta có thể nói đùa quá trớn với người thân, bạn bè. Lấy chuyện bạn mình hơi mập mạp, hơi nấm lùn một chút ra mà trêu chọc đùa giỡn chẳng phải chuyện gì hay ho đâu.

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

        9. Sử dụng những câu từ lịch sự hơn:

Thay đổi thói quen từ nói: “Hiểu chưa?” thành “Cậu hiểu ý tôi không?” hay “Tôi nói dễ hiểu chứ?” sẽ giúp bạn trở nên lịch thiệp hơn, cũng giúp bạn gây được sự thiện cảm cho người nghe.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng những hành động như mỉm cười thiện ý, gật đầu bày tỏ sự đồng lòng để chứng minh bạn vẫn luôn lắng nghe người nói.

        10. Nghe nhiều nói ít.

Nhà triết học Hi Lạp Dê-nông đã từng nói với một người lẻo mép rằng:“Chúng ta có hai tai và một mồm để nghe nhiều hơn và nói ít hơn”.

Điều đó cho thấy chìa khóa để có một cuộc trò chuyện hiệu quả là lắng nghe thật nhiều.

Được lắng nghe giúp ta cảm thấy được kết nối, được thấu hiểu hoàn toàn, cuộc trò chuyện cũng trở nên cuốn hút hơn, hấp dẫn hơn. Vì vậy, hãy học cách lắng nghe lời người khác nói, cũng như họ sẽ lắng nghe chuyện ta.

Một vài cách để bạn học cách lắng nghe: rèn luyện cho mình 3 phút im lặng mỗi ngày, tập nghe những âm thanh trộn lẫn ồn ào để cải thiện chất lượng nghe, thưởng thức âm thanh đời thường,… (Theo Julian Treasure)

Cuối cùng, hãy sử dụng những câu hỏi mở và đơn giản để trả lời người nói, điều đó sẽ khiến họ dễ trải lòng với bạn hơn. Và biết đâu đấy, bạn sẽ nhận được câu trả lời đầy thú vị?

Trên đây là mười phương pháp mà Học viện nghiên cứu và Huấn luyện Lifecore Việt Nam gợi ý cho bạn để trở nên “khéo” và “duyên” hơn trong giao tiếp.

Hãy tham gia khoá học Nghệ thuật giao tiếp của chúng tôi để được biết nhiều kỹ năng và mẹo hay hơn nhé!

HỌC VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ HUẤN LUYỆN LIFECORE VIỆT NAM

KHƠI NGUỒN ĐAM MÊ – GIÚP BẠN TỎA SÁNG

Trương Thùy Linh

—————————————————————

HỌC VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ HUẤN LUYỆN LIFECORE VIỆT NAM

Đ/c: Số 2BT1i Lô 16A7 Làng Việt Kiều Châu Âu, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội

Điện Thoại: 0868 257 676   *Youtube Học Viện   *Fanpage Học Viện