Virus Corona sẽ bị đánh bại vào một ngày nào đó, cũng như nỗi sợ nói chuyện trước đám đông của bạn rồi cũng sẽ không còn. Nhưng không phải tự nhiên mà nỗi sợ hãi ấy biến mất, để làm được điều đó, ta cần phải có được sự luyện tập thường xuyên và áp dụng vào thực tế, trước hết là trang bị cho mình một hành trang với những phương pháp đúng và hay. 8 bí quyết làm thế nào để thuyết trình tốt mà Hoàng Thu Cúc tiết lộ sau đây sẽ phần nào gợi ý cho bạn.
1. Chuẩn Bị Cho Mình Một Vẻ Ngoài Chỉn Chu.
Bạn không đọc nhầm đâu, điều đầu tiên bạn cần làm trước khi thuyết trình chính là chuẩn bị cho mình một vẻ ngoài chỉn chu đấy!
Nhiều người thường cho rằng khi thuyết trình thì chỉ cần chú trọng đến nội dung, nhưng thực tế đã chứng mình điều đó là sai hoàn toàn. Một vẻ ngoài đẹp mắt, phù hợp với chủ đề, không gian, đối tượng thính giả,… không chỉ giúp bạn bớt căng thẳng và tự tin hơn mà còn giúp bạn ghi điểm trong mắt khán giả! Ấn tượng đầu tiên vô cùng quan trọng, nó quyết định việc liệu những gì bạn sắp nói sau đây có được khán giả chú ý và sẵn lòng lắng nghe hay không.
Đơn cử như chỉ là đeo kính không gọng để bản thân mình trông tri thức hơn cũng là một ý tưởng không tồi.
2. Khuấy Động Bầu Không Khí.
Giây phút đầu tiên bắt đầu bài thuyết trình của bạn có thể sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất. Hãy cố gắng bắt đầu một cách thật năng lượng và ấn tượng.
Việc nở một nụ cười rạng rỡ và tự tin chắc chắn sẽ làm khán giả có thiện cảm với bạn. Điều đó sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái hơn khi ở xung quanh bạn và muốn lắng nghe bạn nhiều hơn.
Ngoài ra bạn cũng có thể mở đầu bằng cách đặt ra những câu hỏi bất ngờ, kể một câu chuyện hay tình huống hài hước, sử dụng giọng nói và tác phong chuyên nghiệp,…
3. Tông Giọng Và Ngữ Điệu Khi Nói.
Một giọng nói hay đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền cảm hứng và đánh động đến cảm xúc của khán giả, vì chẳng ai muốn nghe một bài thuyết trình mà giọng điệu người trình bày lại cứ đều đều không đổi từ đầu đến cuối. Việc thay đổi tông giọng lúc trầm bổng lúc hân hoan, khi nhẹ nhàng khi sâu lắng sẽ giúp bài thuyết trình của bạn trở thành một “bài ca”, khiến khán giả bị cuốn vào trong đó.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng nhịp điệu để điều phối giọng nói của mình. Nhấn nhá ở những điều quan trọng, tăng tốc độ nói để khơi gợi cảm xúc của khán giả, nói với tốc độ trung bình để cho người nghe có thời gian suy nghĩ những lập luận phản biện,.. là những cách phổ biến nhất.
Ngoài ra, để có thể tự tin và trình bày trôi chảy, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:
+ Nói không với việc học thuộc lòng và “trả bài”: Đừng học thuộc lòng, hãy phác thảo các ý chính. Sau đó, khi phát biểu, hãy nhìn vào bản phác thảo này và phân tích sâu vào mỗi ý chính đó.
+ Đừng quá phụ thuộc vào slide: Các slide trình bày chỉ có tác dụng minh họa, hiển thị các ý chính trong bài phát biểu. Đừng nhét đầy chữ vào slide, cũng đừng nhìn slide và đọc. Điều này sẽ biến buổi thuyết trình của bạn thành một buổi đọc sách. Chắc chắn nó sẽ làm cho mọi người buồn ngủ. Hãy nhớ bạn là người điều khiển slide. Đừng để slide điều khiển bạn.
+ Hạn chế các từ “ừm, à…”: Khi bạn học thuộc lòng bài phát biểu của mình, những đoạn quên bài, bạn sẽ bắt đầu “ừm… à…”. Điều này sẽ khiến khán giả cảm thấy khó chịu và ngán ngẩm. Vì vậy hãy luyện tập để hạn chế và có một buổi thuyết trình thu hút hơn.
4. Sự Linh Hoạt Biểu Cảm.
Không phải nói ngoa chứ một diễn giả có biểu cảm phong phú luôn khiến khán giả cảm thấy bị thu hút vô cùng.
Tuy nhiên, hãy chú ý để không bị quá lố nhé. Và cũng nên thay đổi nét mặt của bạn sao cho phù hợp với điều bạn đang nói. Giả dụ như đang nói đến thống kê số người tử vong vì Covid trong năm 2021 mà bạn lại dùng giọng điệu vui tươi hào hứng là chết dở rồi đấy!
5. Kiểm Soát Ngôn Ngữ Cơ Thể.
Việc sử dụng những hành động như ngửa – úp hai bàn tay, đứng thẳng với dáng đứng rộng,… luôn giúp bạn trở nên tự tin, thoải mái hơn, cũng khiến bài thuyết trình trở nên thu hút hơn, đặc sắc hơn, tăng hiệu quả truyền đạt tới khán giả.
Nhưng không phải cứ đứng đó khoa chân múa tay là tốt. Việc sử dụng quá nhiều những hành động tay chân như một sự lạm dụng sẽ khiến cho trạng thái lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin của bạn bị khán giả phát hiện. Nó còn có thể làm người nghe bị phân tâm, đôi khi cảm thấy khó chịu nữa.
Hãy giữ cho những hành động của mình thật tự nhiên, lưu ý tới một vài nguyên tắc về ngôn ngữ cơ thể mà người nổi tiếng hay dùng: Nguyên tắc cái hộp của Bill Clinton – cựu tổng thống Hoa Kỳ, nguyên tắc giữ bóng mà Steve Jobs – “cha đẻ” của hãng Apple thường áp dụng, nguyên tắc kim tự tháp,…
Ngoài ra, bạn cần tránh những lỗi sai khi thuyết trình như: giấu bàn tay ra sau lưng hoặc đút vào trong túi quần, khoanh tay, di chuyển quá nhiều, lảng tránh ánh mắt khán giả,…
6. Tương Tác Cùng Khán Giả.
Đừng tránh đối diện với khán giả. Việc quay lưng lại với họ, nhìn xuống sàn hoặc lảng đi đâu đâu sẽ khiến họ cảm thấy bạn không phải đang giao tiếp với họ mà chỉ đang cố đọc thuộc kịch bản. Hãy nhớ rằng việc dùng ánh mắt để “kết nối” với khán giả sẽ khiến bài thuyết tình trở nên hấp dẫn, thu hút hơn, khán giả cũng trở nên hứng thú, nhập tâm và tập trung hơn.
Ngoài ra cũng đừng chỉ chăm chăm vào bài nói của mình, hãy đặt câu hỏi để trò chuyện cùng khán giả.
Bạn biết đó, một mình bạn thao thao bất tuyệt sẽ dễ làm khán giả nhàm chán, đôi khi còn khiến họ mất tập trung. Hãy lôi kéo họ tham gia vào bài thuyết trình. Hãy cổ vũ họ nói ra những suy nghĩ, những gì họ đang thắc mắc.
Việc trò chuyện cùng khán giả cũng sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
7. Đừng Quá Chú Trọng Vào Thời Gian.
Cách giúp bản thân giảm áp lực tốt nhất là đừng canh thời gian. Nếu thời gian của bạn bị giới hạn trong 15 phút, hãy chuẩn bị nội dung và tập nói trước để đo lượng thời gian mình cần.
Hãy chú trọng vào những gì mình muốn nói, đừng kéo dài lê thê bài thuyết trình cho đủ 15 phút nếu bạn chỉ cần 5 phút để trình bày tất cả nội dung chính. Quan trọng là chất lượng nội dung bạn cần truyền tải, không phải là thời gian.
8. Hỏi Ý Kiến Khán Giả.
Khi kết thúc bài thuyết trình, hãy kết nối phần cuối bài với phần mở đầu. Điều đó giúp cho bài thuyết trình trở nên liên kết hơn, thành một mạch xuyên suốt. Bạn cũng có thể sử dụng tông giọng trầm lắng để nhấn mạnh lại những trọng điểm trong phần trình bày của bạn.
Sau đó, khi đã giải đáp các câu hỏi của khán giả, hãy chủ động hỏi cảm nhận của họ về bài nói của bạn.
Bạn có thể hỏi các câu hỏi như: “Điều gì ấn tượng nhất với bạn trong buổi hôm nay?”, “Điều gì bạn cảm thấy hữu ích?”,…
Chắc chắn rằng với một bài thuyết trình thành công, các khán giả sẽ không keo kiệt khi đưa ra đánh giá cho bạn.
Trên đây là 8 bí quyết nhỏ giúp bạn cải thiện bài thuyết trình của mình. Hãy thử áp dụng, luyện tập và đừng quên khoe thành công của bạn cho Hoàng Thu Cúc với nhé.
Bên cạnh những bí quyết đơn giản này, Hoàng Thu Cúc còn có rất nhiều bí quyết khác. Hãy tham gia các khóa học thuyết trình của cô ngay hôm nay để cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông của mình nhé!
HỌC VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ HUẤN LUYỆN LIFECORE VIỆT NAM
KHƠI NGUỒN ĐAM MÊ – GIÚP BẠN TỎA SÁNG
—————————————————————
HỌC VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ HUẤN LUYỆN LIFECORE VIỆT NAM
Đ/c: Số 2BT1i Lô 16A7 Làng Việt Kiều Châu Âu, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội
Điện Thoại: 0868 257 676 *Youtube Học Viện *Fanpage Học Viện